Bóng đá là bộ môn thể thao vua gay cấn và hấp dẫn. Đây là bộ môn có tỷ lệ chấn thương ở mức khá cao. Trong các trận đấu bóng đá việc xảy ra các vụ va chạm và chấn thương là một điều không còn xa lạ và hiếm thấy. Tuy nhiên những vụ va chạm trên sân bóng lại có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến các bộ phận của cơ thể. Có rất nhiều cầu thủ đã phải hoãn tham gia hoặc giải nghệ bởi những chấn thương này. Dưới đây là một số loại chấn thương thường xảy ra khi chơi bóng đá các bạn nên biết đến để có biện pháp phòng ngừa và xử lý cho phù hợp.
Chấn thương cơ hoặc gân
Căng cơ là chấn thương cơ hoặc gân. Căng cơ xuất hiện khi một thớ cơ bị kéo về một hướng quá xa, cơ hoạt động khi ở trạng thái chưa sẵn sàng (cứng cơ). Khi bị căng cơ, cơ hoặc gân bị giãn căng hoặc rách. Chấn thương dễ xảy ra ở đùi sau, cơ háng, cơ đùi trước, cơ bắp chân, cơ lưng và cơ vai. Khi bị căng cơ, cầu thủ sẽ cảm thấy đau và sưng và khó khăn trong cử động. Tùy mức độ chấn thương mà cầu thủ phải nghỉ ngơi, chườm đá, băng bó chỗ đau vài ngày hoặc vài tuần để phục hồi.
Chấn thương gân kheo
Gân kheo là nhóm gân nằm sau bắp đùi, kết dính nhóm cơ bắp chịu lực ở phía sau với xương. Chấn thương gân kheo xuất hiện khi cầu thủ bị đứt một hoặc nhiều sợi cơ trong bó cơ gân kheo. Triệu chứng xảy ra khi cầu thủ thấy đau ở phần sau của đùi trong khi chạy nước rút, chạy bước dài hoặc vung chân cao. Tùy vào mức độ nghiêm trọng có thể chia thành 3 cấp độ chấn thương căng gân kheo, Cách để hạn chế chấn thương là các cầu thủ nên khởi động một cách kỹ càng. Tùy mức độ nghiêm trọng của chấn thương gân kheo mà cầu thủ phải nghỉ ngơi từ một tuần đến 3 tháng.
Căng dây chằng đầu gối
Chấn thương dây chằng đầu gối xuất hiện khi chân vận động quá mạnh và không đúng hướng. Làm cho dây chằng chéo bị xoắn, căng lên. Nếu hoạt động quá mạnh sẽ làm đứt dây chằng. Đây là loại chấn thương rất nghiêm trọng. Và cần sự can thiệp của phẫu thuật để nối lại dây chằng. Chấn thương này gây ra cảm giác đau và sưng tấy ở đầu gối. Với một vết rách nhỏ thì có thể dễ dàng nối lại. Nhưng với những vết rách lớn sẽ gây cản trở trong việc đi lại. Thậm chí nặng hơn cầu thủ phải từ giã sự nghiệp bóng đá.
Tổn thương mắt cá chân
Tổn thương xuất hiện khi mắt cá bị xoắn vào trong. Phần bao bọc xung quanh khớp mắt cá chân cũng có thể bị vấn đề. Dễ dẫn đến chảy máu, đau và sưng. Chấn thương này chiếm khoảng 12% các loại chấn thương trong bóng đá. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tai nạn chấn thương của người quấn băng bảo vệ là 4,9 ca chấn thương/1000 trận đấu. Trong khi đó khi mang dụng cụ bảo vệ mắt cá là 2,6 ca chấn thương/1000 trận đấu. Trường hợp không bảo hộ mắt cá thì tỉ lệ dính chấn thương là 32,8/1000 trận đấu.
Bong gân
Bong gân là chấn thương mô nối xương tại một khớp. Trong đó, bong gân mắt cá chân là trường hợp phổ biến nhất. Bong gân hường xuất hiện khi bàn chân quay vào trong. Do đó làm rách dây chằng phía ngoài mắt cá hoặc làm căng quá mức. Biểu hiện của bong gân là đau sưng, tím, tụ máu. Khi ấn lên vùng mắt cá sẽ có cảm giác đau khó chịu. Bong gân có thể khiến cầu thủ phải nghỉ thi đấu từ 4 đến 6 tuần tùy theo mức độ chấn thương.